Cây tía tô không còn xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam. Không biết mọi người có giống mình không. Ngày trước mình không hề biết ăn lá cây này, do mình không thích cái mùi hắc của nó. Nhưng từ khi mình bị Covid 19, mình đã sử dụng nước tía tô thay nước uống hằng ngày để giải cảm, giảm nhức mỏi thì giờ bị nghiện luôn. Mình vẫn duy trì thói quen này và mình cảm thấy da mình hồng hào, khoẻ mạnh hơn. Vậy uống nước tía tô hằng ngày có tác dụng gì? Cần lưu ý những gì khi sử dụng? Cùng tìm hiểu với mình qua bài viết sau nhé.

1. Tất tần tật về cây tía tô?
Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Britton thuộc họ Bạc hà (Lamiaccae).
Về đặc điểm thực vật và phân bố
Cây nhỏ, cao 0,5-1m. Thân vuông, mọc đứng, có lông. Lá mọc đối, hình bàu dục, dài 2-3 cm. Lá có gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng và uốn lượn, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu tía. Cuống lá dài. Khi vò lá, bạn sẽ ngửi thấy một mùi thơm đặc biệt. Và chính mùi thơm này sẽ giúp phân biệt với các loại cây cùng loại khác.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành, dài 6-20 cm. Hoa nhỏ, màu trắng hay tím. Quả bế, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu sáng. Mùa hoa và quả thường rơi vào từ tháng 5 đến tháng 8.
Cây tía tô là loại cây ưa sáng, ưa ẩm, thích hợp vùng khí hậu ôn hoà, nhiệt độ từ 18 đến 23 độ C. Cây này rất dễ trồng, gần như quanh năm. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, tía tô được trồng lên đến hàng chục hecta dùng để cất lấy tinh dầu.

Về thành phần hoá học
Trong toàn cây có chứa 0,50% tinh dầu. Trong tinh dầu,thành phần chủ yếu là perilla-andehyd 55%, limonen 20-30%, α-pinen và dihydrocumin. Mùi thơm đặc biệt của tía tô là do chất perilla-andehyd. Chất perilla andehyd anti-oxim ngọt gấp 2000 lần đường, khó tan trong nước.
Chất màu trong lá là do este của chất xyanin clorid. Ngoài các chất trên, trong tía tô còn chứa adenin và acginin.
Trong hạt có 45-50% chất dầu lỏng, màu vàng, mùi vị của dầu lanh, thuộc loại dầu khô.
2. Nước tía tô có tác dụng gì đối với sức khoẻ?
Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ấm. Tía tô được dùng chữa cảm mạo, không có mồ hôi, phong hàn, ho nhiều đờm, ngat mũi, nhức đầu, tiêu hoá kém, đau bụng, môn mửa, động thai.
Chữa cảm cúm
Do trong thành phần tía tô có chứa tinh dầu nên rất hiệu quả trong việc giải cảm. Khi bạn gặp phải tình trạng ngạt mũi, ho nhiều, đau đầu, người lạnh, bạn chỉ cần đun nước lá tía tô uống khi còn nóng ấm sẽ hiệu quả ngay đó. Hoặc bạn có thể ăn một bát cháo nóng kèm lá tía tô, bạn thử xem nhé.
Tác dụng chống dị ứng
Trong dịch chiết lá tía tô trong ethanol có chứa các hợp chất có tác dụng làm giảm các phản ứng dị ứng. Hơn nữa, lá tía tô chứa glycoprotein. Một chất có khả năng ức chế hoạt động của hyaluronidase và quá trình phân hủy tế bào mast. Dịch chiết ethanol của lá tia tô còn có khả năng làm giảm viêm đường hô hấp, hỗ trợ điều trị hen suyễn.
Giúp kích thích tiêu hóa
Các triệu chứng rối loạn đường tiêu hoá như đầy hơi, khó tiêu,… thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Đã có một nghiên cứu trên 50 người tham gia khỏe mạnh đang gặp vấn đề về đường tiêu hoá, táo bón nhẹ, kết quả chỉ ra rằng khi sử dụng chiết xuất lá tía tô các triệu chứng cải thiện đáng kể so với dùng giả dược.

Điều trị mụn, xoá mờ nám da
Trong thành phần lá tía tô có chứa chất kháng khuẩn, chống viêm. Giúp thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa mụn, mẩn ngứa. Để làm tăng tác dụng này có thể sử dụng phối hợp với cây cà gai leo.
Ngoài ra, Chiết xuất lá tía tô có khả năng ức chế sự tổng hợp tyrosinase và melanin. Từ đó, giúp giảm thâm nám, làm sáng da. Uống lá tía tô hàng ngày giúp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, giúp cải thiện tình trạng da xỉn màu, giúp làm da khoẻ khoắn.
Chống oxy hoá, ngăn ngừa lão hóa da
Chất chống oxy hoá có trong lá tía tô giúp hạn chế quá trình lão hóa của cơ thể, ngăn ngừa nếp nhăn, tàn nhang, ….
Hỗ trợ giảm cân, giữ gìn vóc dáng
Lá tía tô có chứa các vitamin, khoáng chất, acid amin cần thiết cho cơ thể. Giúp tăng cường chuyển hóa, trao đổi chất sinh năng lượng từ đó đốt cháy, đào thải chất béo ra ngoài.
Lượng chất xơ trong lá giúp hỗ trợ duy trì vóc dáng săn chắc, thon gọn.
3. Khi sử dụng nước tía tô cần lưu ý những gì?
Nước lá tía tô mang lại rất nhiều lợi ích khi sử dụng hàng ngày. Nhưng điều quan trọng là bạn phải biết sử dụng đúng cách. Hãy ghi nhớ những lưu ý dưới dây khi sử dụng để đem lại kết quả tốt nhé.
- Sử dụng trong 24 giờ sau khi hãm nước.
- Không đun sôi quá 15 phút. Vì thành phần tinh dầu trong lá, cành cây dễ bị bay hơi, sẽ làm giảm tác dụng của nó.
- Người bệnh cảm do nóng trong không nên sử dụng.
- Sử dụng lượng vừa phải. Không sử dụng liều cao, dài ngày sẽ gây khó tiêu, đầy bụng.

4. Cách dùng tía tô nấu nước?
Dùng tía tô nấu nước uống hằng ngày, bạn có thể tham khảo cách sau:
Chuẩn bị: 200g lá tía tô tươi, có thể thêm một ít gừng hoặc xả.
Cách làm:
- Rửa sạch nguyên liệu, cắt khúc nhỏ.
- Cho nguyên liệu vào nồi, thêm 2.5 lít nước, đun sôi. Khi đã sôi, bạn vặn nhỏ lửa và để trong 2-3 phút rồi tắt bếp.
- Gạn lấy nước tía tô để sử dụng.
Hiện nay, để tối giản và tiện dụng, trên thị trường đã có những dòng sản phẩm trà tía tô túi lọc. Bạn chỉ cần cho trà túi lọc vào cốc và thêm nước sôi và chờ 3-5 phút, bạn đã có một ly trà tía tô thơm ngon, có lợi cho sức khoẻ.
Tóm lại, cây tía tô vừa được dùng để làm gia vị, vừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Và đặc biệt phù hợp chăm sóc sức khoẻ mọi người trong gia đình. Những thông tin trong bài viết trên mong rằng hữu ích cho quý độc giả. Hãy theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khoẻ nhé.
Ngô Định – Dược sĩ đại học
Nguồn tham khảo:
1. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2 – NXB khoa học kỹ thuật (trang 943-949).
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi – NXB Y học (trang 648-649)