Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao trên thế giới, cùng với ung thư. Theo thống kê, trung bình 3 phút lại 1 ca đột quỵ dẫn đến tử vong. Vậy đột quỵ là gì? các thuốc chống đột quỵ là gì? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
1. Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là gì?
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng não đang bị tổn thương. Não bộ bị thiếu oxy nghiêm trọng, không đủ oxy để nuôi dưỡng tế bào. Nguyên nhân do quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm đột ngột. Các tế bào não sẽ bắt đầu chết nếu không được cung cấp đủ máu lên não trong vòng vài phút.
Khi gặp đột quỵ cần xử lý như thế nào?
Khi gặp tình trạng đột quỵ, người bệnh cần được sơ cứu và chuyển cấp cứu ngay lập tức. Vì thời gian càng kéo dài, số lượng tế bào não chết càng nhiều, sẽ càng nguy hiểm đến tính mạng và để lại những biến chứng sau này. Phần lớn những người sống sau tai biến thường mắc các di chứng như: tê liệt toàn thân hay một phần cơ thể, thị giác suy giảm, rối loạn ngôn ngữ, ….
Người ta phân thành 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết.
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: là do có các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch. Là nguyên nhân làm gián đoạn quá trình lưu thông máu lên não.
- Đột quỵ do xuất huyết: Đây là tình trạng mạch máu não bị vỡ gây xuất huyết não. Nguyên nhân là do xuất hiện các vết nứt, rò rỉ ở thành động mạch hoặc thành mỏng và yếu.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ gồm:
- Khuôn mặt bị liệt, mất cân đối, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo miệng. Hãy bảo bệnh nhân cười và quan sát cơ mặt.
- Đột ngột không thể cử động tay chân hoặc cử động khó khăn, tê liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và quan sát. Nếu hai tay không nâng qua đầu đồng thời cùng lúc thì có khả năng bị đột quỵ.
- Đột ngột hoa mắt chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội, không thể đi lại, đứng, ngồi bình thường được.
- Mất thị lực đột ngột: mắt mờ, nhìn không rõ
- Giọng nói bị thay đổi, nói líu lưỡi, nói không rõ chữ, nói ngọng.
2. Các nhóm thuốc chống đột quỵ
Hiện nay, trên thị trường chưa có loại thuốc nào được công nhận là thuốc chống đột quỵ. Trong bài viết này, thuốc chống đột quỵ chính là thuốc phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Thuốc chống đột quỵ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Tùy vào nguyên nhân bị đột quỵ là gì, những yếu tố nguy cơ đột quỵ nào (cao huyết áp, tim mạch, xơ vữa động mạch, …) mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc chống đột quỵ phù hợp.
Một số loại thuốc phòng ngừa đột quỵ hiện nay gồm có:
Thuốc kháng tiểu cầu
còn được gọi là thuốc chống tập kết tiểu cầu giúp hạn chế tiểu cầu dính lại với nhau. Hạn chế hình thành cục máu đông. Do thuốc này có thể gây ra tác dụng không mong muốn như chảy máu dạ dày, dị ứng và các tác dụng phụ khác nên không phải ai cũng sử dụng được. Trước khi sử dụng thuốc, bạn nên thông tin tiền sử bệnh lý của bạn với bác sĩ để cân nhắc sử dụng.
Thuốc chống đột quỵ chống đông máu
là thuốc tác động lên quá trình đông máu, giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới và làm hạn chế cục máu đông trở nên to hơn.
Thuốc chống đột quỵ làm tan các cục máu đông
Giúp làm tan các cục máu đông đã hình thành. Cục máu đông hay còn gọi là huyết khối hình thành do các mảng xơ vữa tích tụ, kết hợp với tiểu cầu gắn vào các sợi fibrin. Từ đó, làm tắc nghẽn mạch máu não, là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Thuốc giảm cholesterol
Cholesterol cao là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng đột quỵ. Khi mức cholesterol trong máu cao, có thể bắt đầu tích tụ dọc theo thành động mạch gây nên những mảng xơ vữa. Là 1 trong những yếu tố hình thành cục máu đông.
Thuốc giảm huyết áp
loại thuốc này giúp giảm huyết áp, sẽ giảm áp lực lên thành mạch, hạn chế xuất huyết.
Thực phẩm chức năng dự phòng đột quỵ
Hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng bày bán, quảng bá rầm rộ trên thị trường. Có nhiều sản phẩm còn được quảng cáo như thuốc điều trị. Quý vị đọc giả lưu ý các thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ, phòng ngừa không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
3. Cơ chế hoạt động của thuốc chống đột quỵ
Cơ chế hoạt động của các loại thuốc chống đột quỵ dựa trên những nguyên nhân gây đột quỵ. Chính là tắc nghẽn mạch máu não và xuất huyết não.
Tùy theo loại thuốc mà có thể giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, làm tan cục máu đông. Hay điều chỉnh mức cholesterol cao để giúp ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu não. Hay làm hạ huyết áp để giảm áp lực thành mạch…
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống đột quỵ
Khi sử dụng thuốc ngừa đột quỵ, bạn cần lưu ý những điều sau:
Dùng theo chỉ định của bác sĩ
Chỉ dùng thuốc chống đột quỵ theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã kiểm tra, đánh giá nguy cơ đột quỵ của bạn. không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng, đổi thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ. Đặc biệt nói không là các loại thuốc bán trên thị trường không rõ nguồn gốc.
Xây dựng thói quen uống thuốc
Bạn nên sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày. Điều đó sẽ giúp bạn dễ nhớ uống thuốc hơn. Một số mẹo như ghi giấy ghi chú dán ở những nơi dễ quan sát, hay cài báo thức trên điện thoại cũng sẽ giúp bạn thạo thói quen uống thuốc hàng ngày.
Ghi nhớ thông tin thuốc chống đột quỵ
Khi sử dụng thuốc chống đột quỵ, bạn và người thân cần lưu ý phải ghi nhớ: tên, liều dùng, loại thuốc sử dụng. Để trong các tình huống khẩn cấp, bạn và người nhà có thể thông báo với bác sĩ những loại thuốc đang dùng, để cân nhắc những rủi ro khi phối hợp thuốc.
Chú ý ngày hết thuốc
Nên lưu ý ngày hết thuốc để tái khám. Điều đó sẽ giúp bạn tránh được tình trạng hết thuốc, làm gián đoạn việc uống thuốc. Trước ngày hết thuốc 1-2 ngày, bạn nên tái khám, mang theo đơn cũ để bác sĩ kiểm tra, đánh giá lại nhé.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống đột quỵ khác
Nếu bạn đang dùng thuốc chống đột quỵ, mà muốn sử dụng thuốc khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng để tránh những rủi ro sức khoẻ không đáng có.
Thông báo với bác sĩ về các tác dụng phụ khi dùng thuốc
Nếu bạn gặp phải bất kỳ tình trạng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần thông báo với bác sĩ để có hướng giải quyết kịp thời.
5. Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ
Việc xây dựng thói quen sống lành mạnh, ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng. Để tránh nguy cơ đột quỵ, bạn cần bỏ túi cho mình các lưu ý sau:
- Ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ, giảm ăn muối.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Có thể đi bộ, tập yoga,…
- Chủ động thư giãn, giải toả áp lực, stress như: nghe nhạc, trồng cây,…
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia và các chất kích thích.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng 1 lần.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn một số thông tin về bệnh đột quỵ, các biện pháp phòng ngừa. Hy vọng rằng bạn sẽ bỏ túi được những mẹo hay, giúp cho gia đình và chính bản thân có một sức khoẻ tốt. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.