Cây cà gai leo là loại thảo dược có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, đặc biệt tốt với gan. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng được thảo dược này. Để tránh những tác dụng không mong muốn, bạn cần biết những ai không nên uống cà gai leo. Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
Cây cà gai leo là loại cây thân leo nhỏ. Thân cao trung bình khoảng 60- 100cm, phân nhiều cành, có gai. Lá cây mọc so le có hình bầu dục hoặc thon dài. Mặt dưới lá có màu nhạt và phủ đầy lông tơ màu trắng; mặt trên sẫm hơn. Hai mặt lá có gai ở gân chính và cuống lá.
Hoa màu tím nhạt. Quả mọng, hình cầu nhẵn. Quả màu vàng sau này chuyển sang màu đỏ. Bên trong quả có hạt hình thận màu vàng.
Cây cà gai leo phổ biến ở vùng đồng bằng và trung du, mọc lẫn trong các lùm bụi thưa. Cây mọc trải dài các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Bình Thuận.
Cà gai leo là loại dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được. Vậy những ai không nên sử dụng loại dược liệu này?
Những ai không nên uống cà gai leo?
1. Phụ nữ có thai
Cây cà gai leo có chứa steroidal saponin. Đây là thành phần có nhiều hoạt động sinh học, có tác dụng chống viêm và chống vi khuẩn. Tuy nhiên, Alkaloids có trong cà gai leo cũng có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Chẳng hạn như buồn nôn, buồn ngủ, tiết nước bọt, đau bụng, tiêu chảy, suy nhược và suy hô hấp.
Hiện nay chưa có thông tin cụ thể về mức độ nguy hiểm của cà gai leo đối với phụ nữ mang thai. Nhưng để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, phụ nữ mang thai là đối tượng đầu tiên trong danh sách những ai không nên uống cà gai leo.
2. Trẻ em dưới 6 tuổi
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi cơ thể còn yếu và hệ thống miễn dịch lúc này chưa phát triển đầy đủ. Cũng như các chức năng gan, thận vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi các thành phần trong cà gai leo có thể gây tác động quá mức đến những bộ phận này. Do đó, trẻ em dưới 6 tuổi không nên sử dụng cà gai leo.
3. Người bệnh thận
Mặc dù trong cà gai leo có chứa thành phần steroidal saponin có đặc tính chữa bệnh nhưng lại có thể gây rủi ro cho những người bị bệnh thận. Người mắc bệnh thận không nên sử dụng cà gai leo hoặc các thực phẩm bổ sung có chứa chiết xuất dược liệu này. Vì khi chức năng lọc ở thận suy giảm, các chất bổ sung có thể tích tụ trong cơ thể và dẫn đến nhiễm độc.
Hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể về độ an toàn của cà gai leo đối với người bệnh thận. Vì vậy, những bệnh nhân này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cà gai leo.
4. Người đang mắc bệnh mãn tính
Người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, cao huyết áp cần thận trọng và tốt nhất không nên sử dụng cà gai leo. Do một số thành phần của cà gai leo có thể gây tương tác thuốc với các loại thuốc điều trị mà bạn đang sử dụng.
Mặt khác, người đang mắc các bệnh mãn tính không nên tự ý làm theo các phương thức điều trị dân gian. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để ngăn ngừa các tác dụng không mong muốn.
5. Người bệnh đang điều trị đặc biệt
Người đang mắc bệnh nặng và trong giai đoạn điều trị đặc biệt không nên uống cà gai leo. Bởi vì một số thành phần trong cà gai leo có thể tương tác thuốc, thậm chí tạo độc tố, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị bệnh.
Hơn nữa, cà gai leo không phải là dược liệu thay thế thuốc điều trị bệnh. Vì vậy bạn không nên dừng uống thuốc theo đơn của bác sĩ để theo đuổi cách chữa bệnh bằng cà gai leo.
Công dụng của cà gai leo
Theo Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, cây cà gai leo được sử dụng rộng rãi trong dân gian và các bài thuốc Y học Cổ truyền. Spirosolane alkaloid, pregnane steroid và saponin steroid là các hoạt chất chính trong chiết xuất cây cà gai leo. Các công dụng nổi bật của cà gai leo bao gồm:
1. Hỗ trợ trị bệnh viêm gan B
Qua đề tài nghiên cứu của bác sĩ Trịnh Thị Xuân Hòa – Bệnh viện Quân y 103 cho thấy cà gai leo có tác dụng làm giảm nồng độ virus viêm gan B. Sau thời gian điều trị, chỉ số men gan được cải thiện hơn. Người bệnh giảm triệu chứng, ăn ngủ ngon hơn.
2. Hỗ trợ chống oxy hoá
Cà gai leo rất giàu chất chống oxy hóa với nhiều đặc tính trị liệu. Trong chiết xuất của cà gai leo bao gồm tổng hàm lượng phenolic, flavonoid và khả năng chống oxy hóa khử sắt (FRAP).
3. Có khả năng ức chế tế bào ung thư
Tác dụng chống oxy hoá của cà gai leo đã được chứng minh qua nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu. Nghiên cứu chỉ ra rằng dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo và thành phần glycoalcaloid từ dược liệu này có tác dụng chống oxy hóa. Chính những hoạt chất này có khả năng ức chế một số tế bào ung thư do virus gây ra. Cụ thể như tế bào ung thư gan (Hep 3B, PLC/PRF), ung thư cổ tử cung…
Theo y học cổ truyền, cà gai leo còn được dùng để giải rượu, trị ho, cảm cúm, chữa bệnh tê thấp, đau nhức gân khớp,…
Cách sử dụng cà gai leo
Sau đây là cách pha trà cà gai leo rất đơn giản. Bạn có thể áp dụng ngay.
Chuẩn bị: 50-60gr cà gai leo khô, ấm pha trà hoặc bình thuỷ tinh.
Tiến hành:
- Bước 1: 50-60gr cà gai leo khô đem rửa sạch, rồi cho vào ấm hoặc bình thủy tinh
- Bước 2: Cho nước sôi vào ấm với lượng vùa đủ để hãm trà. Bạn chắt bỏ phần nước đầu tiên và giữ lại phần bã trà.
- Bước 3: Cho thêm khoảng 20ml nước sôi vào ấm. Ngâm trong khoảng 10 phút để hãm trà lần 2 rồi chắt bỏ nước.
- Bước 4: Cuối cùng, cho khoảng 1 lít nước sôi vào ấm trà và thưởng thức.
Hiện nay, cà gai leo được sản xuất dưới dạng trà túi lọc rất tiện lợi. Trà túi lọc cà gai leo vừa tốt cho sức khoẻ, vừa dễ sử dụng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Tóm lại, mặc dù cà gai leo có rất nhiều lợi ích với sức khỏe, nhưng cần lưu ý những ai không nên uống cà gai leo và cách sử dụng để tránh các tác dụng phụ và đảm bảo sức khỏe khi sử dụng. Nếu bạn có bất kì thắc mắc hay cần tư vấn hãy liên hệ ngay qua số hotline 0985556620 nhé!
Dược sĩ đại học – Ngô Định
Nguồn tham khảo: Tổng hợp