Bài thuốc tắm của người dân tộc được dùng điều trị bệnh xương khớp nhưng phải nấu, ngâm mất nhiều thời gian, PGS.TS Lê Minh Hà tìm cách hiện đại hóa để thuận tiện sử dụng.
PGS.TS Lê Minh Hà hiện là Trưởng phòng Hóa dược Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chị kể, trong một lần đi du lịch Sa Pa, thấy bài thuốc lá tắm cổ truyền được bày bán ở khắp nơi. Tìm hiểu mới biết đây là một bài tắm rất nổi tiếng của người Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai, được cho là hỗ trợ trị đau nhức xương khớp.
Để sử dụng bài thuốc lá tắm này, người dùng phải đun dược liệu thành nước tắm, sau đó ngâm mình từ 35 đến 40 phút thì mới phát huy tác dụng. “Cách này rất cầu kỳ và mất thời gian. Chưa kể các thành phần và công thức của bài lá tắm chưa được xác định rõ ràng. Đồng thời, bài thuốc này cũng chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh về tác dụng, độ an toàn và tính hiệu quả khi sử dụng cho nhiều người khác nhau”, PGS Hà nói.
Là người nhiều năm theo đuổi các nghiên cứu về cây dược liệu cũng như các bài thuốc cổ truyền, TS Hà muốn đi sâu vào nghiên cứu. Chị muốn biến bài thuốc này thành sản phẩm dễ sử dụng mà vẫn đảm bảo hiệu quả cho tất cả mọi người.
Chị Hà đã gửi đề án nghiên cứu này đến hội đồng giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science). GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch hội đồng giải thưởng cho biết, các nhà khoa học đã đánh giá, đây là một trong ba đề án xuất sắc của năm 2022. Hội đồng đã chọn và trao 150 triệu đồng để chị theo đuổi nghiên cứu.
Theo PGS Hà, chị sẽ dùng kinh phí này vào việc khảo sát, tìm kiếm các mẫu dược liệu ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. “Quá trình thu thập và khảo sát dữ liệu sẽ là nền tảng đầu tiên cho công trình nghiên cứu của tôi”, chị nói. Sau đó, PGS.TS Lê Minh Hà hướng đến bổ sung bằng chứng khoa học cho bài thuốc. Từ kết quả nghiên cứu, người dân bản địa sẽ hiểu rõ hơn giá trị của bài thuốc để phát triển nhân rộng các cây thuốc quý.
PGS.TS Lê Minh Hà cho biết, theo bước đầu khảo sát, bài thuốc có 35 đến 40 loại dược liệu khác nhau. Tuy nhiên, có rất nhiều tên dược liệu là cách gọi dân dã của địa phương.
“Chúng tôi cần thu thập mẫu và xác định tên khoa học sau đó tổng hợp hồ sơ khoa học chuẩn của các loại dược liệu này”, chị Hà nói. Trong tương lai, chị sẽ phát triển nhân giống, trồng cùng bà con để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho việc sản xuất sản phẩm sau này.
PGS Hà có hơn 20 năm theo đuổi lĩnh vực Hóa hữu cơ và Hóa học các hợp chất thiên nhiên. Chị sở hữu hàng chục kết quả nghiên cứu, công nghệ chiết xuất dược liệu. Đã có gần 100 loại dược liệu là các cây thuốc sử dụng trong các bài thuốc dân gian, được chị và cộng sự nghiên cứu sâu về hoạt tính sinh học.
Hương Thảo
Nguồn: https://vnexpress.net/